Breaking News

Hà Nội: Quy hoạch treo, dân lo trong nhà xập xệ

Gần 20 năm, nhiều hộ dân sống ở phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sống trong cảnh chật chội, bí bức. Hàng loạt căn nhà xập xệ có thể đổ sập bất cứ lúc nào vẫn không được phép sửa chữa vì đất nằm trong diện quy hoạch.

Gian phòng khách của gia đình ông Điền, anh Phúc vừa là chỗ ngủ, vừa là nơi tiếp khách. Ảnh: N.T

4 người chia nhau 9m2

Con phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm) vốn sôi động nhưng đi vào sâu trong ngõ chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến cuộc sống khổ sở của người dân nơi đây. Từ số nhà 79 đến số 81 là một đoạn của ngõ Hàng Thịt, qua từng năm số dân ở đây đã tăng lên theo cấp số nhân nhưng những căn nhà mà họ sinh sống lại không được phép tu bổ, sửa chữa. Nguyên nhân là do đất thuộc khu dân cư này đang nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa. Có mặt tại nhà ông Đỗ Văn Điền (phố Hai Bà Trưng) chúng tôi mới thấm được cảnh sống chật vật của các thành viên trong gia đình này. Căn nhà có diện tích hơn 30m2 của ông Điền là nơi sinh sống của 24 nhân khẩu. Ngôi nhà này đã được xây dựng từ rất lâu, qua mấy chục năm nhưng vẫn chưa được một lần tu bổ. Bất tiện hơn, nhà hơn 20 người sinh sống nhưng chỉ có một nhà vệ sinh. Tất cả các con trai của ông Điền cũng chia nhau từng mét vuông để sinh sống. Mỗi căn phòng rộng chừng 5 - 9m2 là nơi ở của một gia đình 4 - 6 người. Vợ chồng anh Đỗ Anh Phúc (con trai thứ 2 của ông Điền) sống ở ngay tầng 2, gia đình 4 người cũng chỉ sống trong căn phòng rộng 9m2. Cậu con trai đầu của anh năm nay đã 16 tuổi nhưng vẫn phải sống chung phòng chật chội cùng bố mẹ và em gái.

Cả nhà ông Điền hơn 20 người sinh sống chung một khu vệ sinh.

Nhà anh Phúc, cầu thang sắt tự chế đã hoen gỉ, tường mốc meo, bong tróc. Nhà có nhiều gác nhưng ô gác chỉ hai người ngủ là chật cứng, việc đặt những đồ dùng cần thiết cũng là một trở ngại lớn. “Ngôi nhà này xây lâu lắm rồi, từ thời các cụ. Chúng tôi muốn sửa không được, thanh niên còn đỡ, trẻ con, người già đi lên cầu thang dốc đứng nguy hiểm lắm”. Anh Phúc kể rằng, trước đây nhà anh có trẻ nhỏ đi lại trong nhà đã từng bị gẫy tay. Lí do là nhà quá bí bách và hiểm trở, trẻ con chơi đùa không cẩn thận nên bị ngã. Cuối năm 2015, anh Phúc bị tai biến nên đi lại khó khăn. Gia đình đã tự bỏ tiền sửa lại cầu thang để anh dễ lên xuống hơn. Nhưng lúc làm lại cầu thang rất sợ sập vì ngôi nhà đã quá cũ, mỗi lần có xe ô tô lớn đi qua, nhất là ban đêm, căn nhà lại rung lên bần bật.

Trong mấy năm qua, gia đình anh đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền xin được cấp sổ đỏ và sửa chữa lại căn nhà nhưng chưa được cho phép. Giờ đây, vợ chồng anh Phúc đều lo lắng vì chả mấy nữa mà những đứa nhỏ trong nhà sẽ đến tuổi lấy vợ lấy chồng, rồi không biết kiếm đâu ra chỗ ở. Gia đình anh mong được chính quyền cấp sổ đỏ để có thể bán nhà chuyển đi nơi khác rộng hơn hoặc được sửa chữa xây lại cho con cái có chỗ ở đỡ khổ hơn.

Phường cũng bó tay?
Không gian bên trong nhà ông Điền.

Không riêng nhà anh Phúc, tại phường Cửa Nam, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có nhiều hộ phải sống chen chúc như vậy. Những căn phòng rộng chỉ bằng một manh chiếu, những căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm nóng bức, dột nát, có thể sập bất cứ lúc nào nhưng người dân không được phép sửa chữa, không có sổ hộ khẩu, sổ đỏ... Họ kể vanh vách những nỗi khổ mỗi khi được hỏi về cảnh sống trong quá khứ và hiện tại của bản thân mình. Gia đình ông Ngô Thân có nhiều thế hệ sống trong một mái nhà chật chội. “Cách đây không lâu mái nhà bị sập, tôi xin nhưng phía phường không cho sửa chữa, tôi báo cáo là nhà tôi sắp sập đến nơi rồi, nếu các anh không cho sửa, nhà sập các anh là người chịu trách nhiệm. Cuối cùng phía phường cũng tạo điều kiện cho làm lại mái tôn”.

Theo ông Thân, phường trả lời nguyên nhân không cho nhà ông sửa chữa là nhà nằm trong diện quy hoạch. Ông Thân bảo, hai con ông đã đến tuổi lấy vợ, giờ di làm, đi xa không sống ở nhà nhưng sau này lấy vợ phải có phòng riêng. Trong khi nhà quá bé, gia đình chưa mong có sổ đỏ ngay nhưng phải được sửa chữa, cơi nới thêm phòng ngủ. Ông Ngô cho biết thêm, lần gần đây nhất chính quyền mời hộ không có sổ đỏ lên họp để nói về dự án là từ năm... 2001. Nay, người dân thắc mắc không biết dự án có làm nữa hay không. Người dân rất muốn có một câu trả lời, mong muốn được cấp sổ đỏ, tạo điều kiện cho họ chuyển đi nơi khác rộng rãi hoặc cho phép sửa chữa lại nhà để họ có chỗ sinh hoạt, con cái có chỗ học tập tử tế.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Phạm Thanh Tùng, cán bộ địa chính phường Cửa Nam cho biết: “Hiện, trên địa bàn phường có 65 hộ chưa có sổ đỏ vì nằm trong vùng quy hoạch của nút giao thông Nguyễn Khuyến. Chúng tôi hoàn toàn nắm được tình hình của các hộ, cho đến thời điểm này phường đã có ý kiến, có văn bản gửi đến từng hộ nói về lí do không được cấp (sổ đỏ) từ năm 2005. Bản thân phường đã có ý kiến gửi lên cấp trên về việc cấp sổ đỏ cho các hộ do dự án giao thông chưa có quyết định thu hồi”. Ông Tùng cho biết thêm, ngày 22/2/2016 Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã trả lời rằng bản vẽ về dự án giao thông ở nút giao thông Nguyễn Khuyến vẫn tồn tại. Điều đó có nghĩa là dự án vẫn có hiệu lực nhưng đến bây giờ vẫn chưa thi công bởi không có kinh phí.

Ông Phạm Thanh Tùng, cán bộ địa chính phường Cửa Nam cho biết: “Hiện, trên địa bàn phường có 65 hộ chưa có sổ đỏ vì nằm trong vùng quy hoạch của nút giao thông Nguyễn Khuyến. Chúng tôi hoàn toàn nắm được tình hình của các hộ, cho đến thời điểm này phường đã có ý kiến, có văn bản gửi đến từng hộ nói về lí do không được cấp (sổ đỏ) từ năm 2005. Bản thân phường đã có ý kiến gửi lên cấp trên về việc cấp sổ đỏ cho các hộ do dự án giao thông chưa có quyết định thu hồi”.

Ngọc Thi / giadinh.net.vn

Không có nhận xét nào